QUY TRÌNH BẢO DƯỠNG XE MÁY CHUẨN CHUYÊN GIA

3 Tháng 5 - 2019

Cũng như con người, việc đưa xe đi “kiểm tra sức khỏe” định kì vô cùng cần thiết để phát hiện ra bệnh tiềm ẩn, chữa trị kịp thời giúp xe vận hành êm ái. Tuy nhiên, quy trình bảo dưỡng xe máy và các vấn đề xung quanh quy trình này cũng rất phức tạp mà không phải chủ xe nào cũng biết.

Khi nào cần mang xe đi “khám sức khỏe”

Nhiều bộ phận trên xe máy sau một thời gian vận hành bị xuống cấp và sai lệch như: cổ phốt, giảm sóc, các vòng bi bánh, phanh, vành xe, nhông xích, hệ thống nhiên liệu, bộ ly hợp, hệ thống điện nổ và điện tín hiệu, hệ thống làm mát, các khớp xoay… Thế nên việc cần làm là kiểm tra, bảo dưỡng và điều chỉnh định kỳ, đối với một số chi tiết không đảm bảo chất lượng và công năng thì cần sửa chữa hoặc thay thế…

Khi xe chạy phát ra tiếng kêu cọt kẹt, tiếng máy nổ không êm, má phanh không “ăn” hoặc tay lái không chuẩn… tức là đã tới lúc bạn cần mang xe đi bảo dưỡng. Quy trình bảo dưỡng xe ta ga khác với quy trình bảo dưỡng xe số, tùy vào đặc điểm mỗi loại xe.

Khi nào cần bảo dưỡng xe máy?

Khi nào cần bảo dưỡng xe máy?

 

Quy trình bảo dưỡng xe máy

Đối với phần đầu xe, có 9 bước bao gồm: cân hai vành, sơn chống gỉ hai vành, sơn chống gỉ gầm xe, bảo dưỡng cổ phuốc, bảo dưỡng giảm sóc trước, bảo dưỡng phanh trước, chỉnh còi, bảo dưỡng dây công tơ mét, bảo dưỡng tra dầu tay ga cũng như dây ga. 

Đối với phần động cơ, cũng có 9 công đoạn như sau: bảo dưỡng chế hoà khí, xúc rửa bầu lọc khí, chỉnh chế độ nhiên liệu, vệ sinh bu-gi, căn chỉnh xúp-páp, bảo dưỡng mô-tơ đề, điều chỉnh côn, đổ thêm nước nạp ắc quy, kiểm tra dầu máy. Đối với hệ thống truyền lực, có ít nhất 8 công đoạn gồm: bảo dưỡng nhông xích tải, bảo dưỡng giảm xóc sau, bảo dưỡng phanh sau, tra mỡ trục càng sau, tán rút rive biển số chống rung, kiểm tra cần khởi động giàn để chân, xiết lại toàn bộ ốc trên hệ thống khung xe, và cuối cùng là rửa xe.

Vì quy trình bảo dưỡng xe máy phức tạp nên tâm lí của chủ xe thường phó mặc cho thợ sửa xe. Tuy nhiên, việc trang bị một số kiến thức nhất định về bảo dưỡng xe máy sẽ giúp ích rất nhiều cho chủ xe.

Quy trình bảo dưỡng xe máy

Quy trình bảo dưỡng xe máy

 

Dầu nhớt: đây thường được xem là bước đầu tiên và quan trọng trong quy trình bảo dưỡng xe máy. Tùy từng loại xe và thời gian sử dụng, mỗi loại xe sẽ có thời gian thay dầu khác nhau. Nhưng ở tất cả các loại xe bạn phải thay nhớt cho xe đúng thời hạn và đúng chủng loại để tối ưu hóa việc bảo vệ động cơ. Điều này đặc biệt cần lưu ý khi bảo dưỡng xe tay ga, do cấu tạo phức tạp nên xe tay ga cần loại nhớt chuyên dụng cho động cơ. Việc dùng sai nhớt hoặc lâu không thay nhớt có thể gây ra tình trạng ì máy, nóng máy và kêu to. Rất nhiều chủ xe không lưu ý đến việc thay nhớt cho xe cho đến khi nhận lấy hậu quả do xe “khát nhớt gây ra”.

Động cơ: Kiểm tra tiếng động phát ra từ động cơ nhằm phát hiện và ngăn chặn các hỏng hóc trong động cơ. Kiểm tra tình trạng hoạt động của bu-gi, động cơ hoạt động tốt bu-gi luôn có màu gạch; nếu bu-gi có màu đen, hoặc trắng sáng cho thấy động cơ hoạt động không đạt hiệu quả tối ưu. Khói thải động cơ màu đen, có thể nhiên liệu không cháy hết. Khói thải màu trắng, có thể dầu bôi trơn lọt vào buồng đốt, những hiện tượng này đều biểu hiện các hỏng hóc của động cơ, cần điều chỉnh, sửa chữa kịp thời để tránh kéo theo những hỏng hóc lớn hơn.

Hệ thống điện: Theo thời gian, hệ thống điện của xe sẽ kém dần do sức nóng của động cơ, hoặc do các tác nhân bên ngoài (nước, ô-xy hóa…). Việc kiểm tra hệ thống điện nhằm bảo đảm khả năng nạp điện cho ắc-quy, khả năng khởi động của động cơ, hệ thống điện đánh lửa hoạt động ở trạng thái tốt nhất, giúp duy trì khả năng tiết kiệm nhiên liệu của động cơ.

Ắc-qui: Ắc-quy có nhiệm vụ cung cấp điện cho bộ phận khởi động (đề) và hệ thống đèn tín hiệu. Kiểm tra, bảo dưỡng ắc-quy để luôn đảm bảo lượng dung dịch, điện thế của bình theo tiêu chuẩn. Ắc-quy sẽ hoạt động ổn định và có tuổi thọ cao hơn.

Bộ chế hòa khí: Kiểm tra và vệ sinh (rửa) chế hòa khí để duy trì khả năng chế hòa khí tối ưu, góp phần không nhỏ trong việc giảm lượng nhiên liệu tiêu hao. Vệ sinh bình xăng để tránh hiện tượng đọng nước trong bình lâu ngày có thể dẫn tới bình xăng bị thủng do gỉ sét. Vệ sinh hệ thống lọc gió, đảm bảo khả năng cung cấp đủ không khí cho động cơ, giúp động cơ ít tiêu hao nhiên liệu.
Ngoài ra quy trình bảo dưỡng xe máy còn bao gồm việc bảo dưỡng khung xe, nhông xích, …để xe luôn vận hành trong tráng thái sức khỏe tốt nhất.