BÍ QUYẾT LỰA CHỌN DẦU NHỚT XE MÁY NHƯ MỘT CHUYÊN GIA

3 Tháng 5 - 2019

Dầu nhớt được xem là “máu” của động cơ. Lựa chọn dầu nhớt tốt sẽ giúp làm tăng độ êm ái và mượt mà khi xe vận hành. Tuy nhiên rất nhiều người dùng hiện nay đều không biết cách lựa chọn dầu nhớt cho xe máy và thường “phó mặt” cho các trạm bảo hành “thay máu” cho xe. Qua bài viết này, Motul xin chia sẻ các kiến thức về dầu nhớt xe máy, ý nghĩa của các thông số từ đó giúp anh em chọn được loại nhớt phù hợp:

 

 

1. Phân loại dầu nhớt cho xe máy:

 

Dầu nhớt cho xe máy thường có 3 loại chính: Nhớt tổng hợp, nhớt bán tổng hợp và nhớt khoáng.

 

Dầu nhớt tổng hợp: là loại dầu nhớt có thành phần dầu gốc là dầu tổng hợp. Dầu gốc tổng hợp có cấu trúc phân tử đồng nhất và được thiết kế chọn lọc nên có tính năng bôi trơn cao, chuyên biệt, thời gian sử dụng dài và ít hao hụt.

Dầu nhớt Motul H-Tech 100 4T - dầu nhớt tổng hợp

Dầu nhớt Motul H-Tech 100 4T - dầu nhớt tổng hợp

 

Dầu nhớt bán tổng hợp: là loại dầu nhớt có thành phần dầu gốc là dầu bán tổng hợp. Dầu gốc bán tổng hợp là loại dầu gốc được pha trộn giữa dầu gốc khoáng và dầu gốc tổng hợp nên có tính năng bôi trơn được cải thiện hơn so với dầu nhớt gốc khoáng và giá thành thấp hơn so với dầu nhớt tổng hợp.

Dầu nhớt Motul 3100 Silver 4T - dầu nhớt bán tổng hợp

Dầu nhớt Motul 3100 Silver 4T - dầu nhớt bán tổng hợp

 

Dầu nhớt khoáng: là loại dầu nhớt có thành phần chủ yếu là dầu gốc khoáng, chiếm từ 85% đến 100% khối lượng dầu nhớt thành phẩm và có vai trò chính đối với tính năng của dầu nhớt. Phần lớn dầu gốc khoáng được chế biến từ dầu thô - một hỗn hợp các phân tử hy-drô các-bon có hình dạng, kích thước và tính chất lý hóa không đồng nhất nên tính năng bôi trơn không ổn định, đặc biệt trong những điều kiện nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao.

Dầu nhớt Motul 3000 Plus 4T - dầu nhớt khoáng

Dầu nhớt Motul 3000 Plus 4T - dầu nhớt khoáng

 

 

2. Cấp độ nhớt của dầu nhớt xe máy:

 

Theo SAE (Hiệp hội Kỹ sư Ôtô Mỹ), dầu nhớt dùng cho động cơ 4 thì thường được phân làm 2 loại là dầu nhớt đơn cấp và dầu nhớt đa cấp. Trong đó, đặc tính nhớt trong điều kiện nhiệt độ thấp và cao (nóng và lạnh) là thông số rất quan trọng để lựa chọn dầu nhớt cho xe máy.

 

Dầu nhớt đơn cấp: thường chỉ có ký hiệu SAE 40, SAE 50. Loại nhớt này chỉ bảo đảm yêu cầu bôi trơn động cơ ở nhiệt độ cao. Còn khi nhiệt độ xuống thấp (khi động cơ chưa hoạt động) thì dầu đơn cấp có thể quá đặc gây khó khăn cho việc khởi động và lưu thông dầu nhớt đến các bộ phận động cơ.

 

Dầu nhớt đa cấp: Khắc phục nhược điểm của dầu đơn cấp, các loại dầu nhớt đa cấp như SAE 10W-30, 5W-40, 10W-40 và 20W-50 được phát triển và đưa vào sử dụng ngày càng rộng rãi. Chữ W được cho là viết tắt của “Winter – mùa đông" chỉ khả năng khởi động đa dạng ở các mùa với nhiệt độ khác nhau.

 

Chữ số đứng trước “W” là cấp độ nhớt trong điều kiện thời tiết lạnh hoặc mùa đông, dùng để chỉ khoảng nhiệt độ mà tại đó giúp động cơ khởi động tốt. Cấp độ nhớt càng nhỏ (0W, 5W, 10W, 15W, 20W, 25W) thì dầu nhớt càng loãng ở nhiệt độ âm, do vậy sẽ giúp xe khởi động dễ dàng hơn trong thời thiết lạnh.

 

Cấp độ nhớt trong điều kiện thời tiết nóng hoặc mùa hè, được viết sau chữ W: ví dụ như 40. Cấp độ nhớt càng lớn (20, 30, 40, 50, 60) thì dầu nhớt càng duy trì được độ nhớt ở nhiệt độ cao (100°C), giúp bảo vệ động cơ tốt hơn suốt quá trình vận hành với cường độ cao.

 

Trước đây nhiều khách hàng thường có quan niệm nhớt càng đặc càng tốt. Tuy nhiên, quan điểm này đã dần “lạc hậu”. Hiện nay, nhờ có các chất phụ gia nên dầu có độ nhớt thấp như SAE 40, 15W40 hay 10W30 vẫn đảm bảo vừa bôi trơn, bảo vệ tốt động vừa mang lại những lợi ích khác như giảm tổn thất công suất, giảm tiêu hao nhiên liệu, giúp xe khởi động và vận hành ổn định.  

 

Thông số của dầu nhớt cho xe máy

Thông số của dầu nhớt cho xe máy

 

 

3. Cấp chất lượng của dầu nhớt xe máy:

 

API (chữ viết tắt của American Petroleum Institute) là hiệp dầu khí Hoa Kỳ. API phân loại cấp chất lượng của dầu nhớt cho động cơ chạy xăng là SA, SB, SC, SE, SF, SG, … đến cấp cao nhất hiện nay là API SN. Cấp API của dầu nhớt dành cho động cơ diesel ký hiệu là CA, CB, CC, CD, …Trong đó chữ cái cuối dùng để phân biệt các cấp và được xếp theo thứ tự trong bảng chữ cái. Chữ cái càng về sau  biểu thị cho phẩm cấp càng cao hơn. Ví dụ phẩm cấp API SN thì cao hơn SM; SM cao hơn SL.

 

Việc nắm rõ các thông số khi lựa chọn nhớt cho xe máy giúp bạn hạn chế việc lựa chọn dầu nhớt không phù hợp, dùng sai nhớt cho xe.